Mê mẩn phong cảnh đồi núi và không khí trong lành tại Lâm Đồng, vợ chồng trẻ quyết định về đây, “hô biến” mảnh đất trống thành “biệt phủ” xanh mát, có cả vườn cây, ao cá,…
Cách đây hơn 2 năm, vợ chồng anh Tôm, chị Ớt có dịp về nhà bạn chơi ở Lâm Đồng. Quá ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và không khí trong lành, bình yên nơi đây, anh chị nhanh chóng lên kế hoạch xây thêm một chốn nghỉ dưỡng.
Trong suốt gần 1 năm tìm hiểu, khảo sát, cuối cùng cả hai cũng chọn được một mảnh đất ưng ý nằm lưng chừng đồi núi.
“Công việc của tôi khá tự do, ở đâu cũng có thể làm việc được. Hai vợ chồng trẻ mới cưới chưa vướng bận con cái nên quyết định về đây rất nhanh chóng. Mong muốn có một nơi nghỉ dưỡng chỉn chu, đúng sở thích nên vợ chồng tôi dành nhiều tâm huyết triển khai từng chi tiết. Sau 2 năm thì công trình được hoàn thiện. Một số hạng mục vẫn tiếp tục được bổ sung. Xây nhà xong thì dịch Covid-19 bùng phát nên cả gia đình tôi về đây sinh sống”, anh Tôm nói.
Trên mảnh đất rộng 10.000m2, anh xây dựng công trình nhà ở có diện tích 1.000m2, gồm 3 tầng được liên kết với nhau bởi các khối nhà có kiến trúc độc đáo. Gia chủ cho biết, căn nhà được kiến trúc sư người Mỹ thiết kế theo phong cách đương đại.
Do nhà được xây dựng ở vị trí rất sâu, giáp núi rừng, đường đi lại chưa có mà nguồn vật tư chủ yếu được mua ở TP. Hồ Chí Minh nên việc vận chuyển cũng khó khăn. Chưa kể, gia chủ còn mong muốn đội ngũ thiết kế là phải giữ nguyên hiện trạng của mảnh đất. Bởi vậy ngôi nhà được đảm bảo vị trí gác lên quả đồi thay vì san lấp thành mặt phẳng để không phá cảnh quan và thế đất tự nhiên.
Kết cấu của ngôi nhà là những khối hình hộp chồng lên nhau. Một số khối được khéo léo “đẩy” ra ngoài mà không có cột đỡ, sử dụng vật liệu bằng bê tông cốt thép rất nặng. Cách thiết kế này vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt đa dạng, vừa tạo diện mạo “có một không hai” cho công trình. Đây cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian của nhóm kỹ sư kết cấu.
Mái nhà bê tông lợp ngói nhựa Hàn Quốc, có thiết kế pin năng lượng mặt trời.
Tường của công trình được bài trí cách điệu với nhiều chất liệu khác nhau như gỗ conwood chịu nhiệt, gạch cổ,… Gam màu phá cách cũng giúp công trình nổi bật giữa thiên nhiên rộng lớn.
Để không gian sống gần gũi chan hòa với thiên nhiên, các phòng chức năng phần lớn được thiết kế mở với hệ cửa kính lớn. Khi cần, gia chủ xếp cửa kính lại khiến không gian trong nhà giao thoa hoàn toàn với bên ngoài, như “chạm” trực tiếp vào thiên nhiên xung quanh.
Phòng khách thiết kế mở, liên thông với phòng bếp và khu vực bàn ăn. Nội thất tối giản nhưng đảm bảo đầy đủ tiện nghi.
Bức tường gạch tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian này, mang đến cảm giác thô mộc, thân thuộc.
Bàn ăn với sức chứa lớn được bố trí cạnh cửa kính.
Phòng bếp rộng rãi, thoáng đãng. Đảo bếp lớn giúp gia chủ thuận tiện nấu nướng, thoải mái phục vụ những bữa tiệc đông người. Đứng từ bếp nhìn ra có thể ngắm trọn cảnh quan núi rừng và suối tự nhiên bên ngoài rất thú vị.
Hệ lam gỗ cách điệu kết hợp trần bê tông thô ở phòng khách và bếp tạo điểm nhấn độc đáo cho toàn bộ không gian.
Phòng ngủ bài trí theo phong cách tối giản, luôn tràn ngập ánh sáng và gió tự nhiên. Tầm nhìn mở rộng ra bốn phía xung quanh giúp gia chủ có thể ngắm nhìn cảnh quan bên ngoài, mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu.
Mong muốn giữ được thế đất vốn có, không tác động cảnh quan tự nhiên nên ngoài nhà ở rộng rãi, gia chủ còn thiết kế nhiều hạng mục khác nhau, đáp ứng các nhu cầu từ sinh hoạt đến tâm linh, giải trí,… như vườn Đức Mẹ, bãi tắm suối tự nhiên, vườn rau sạch, nhà vườn hồng, ao cá, khu nuôi gia cầm, vườn cây ăn trái,…
Đây thực sự là nơi để gia chủ và bạn bè, người thân lui tới mỗi khi muốn tạm gác lại những xô bồ của cuộc sống đô hội, giúp “tái tạo” nguồn năng lượng sống cho các thành viên.